Nếu nhân vật phụ trầm tính giống như tôi, đúng là cậu ta sẽ không đến tham dự thật vì lý do rất đơn giản.
Lười…
Xưa nay, tôi là một người cực kỳ lười vận động nên có những lúc tôi làm ổ trong nhà cả tháng trời hay suốt mùa hè cũng không ra khỏi nhà là chuyện rất bình thường, nhất là đối với anh trai tôi. Nghĩ đến vấn đề này, tôi chỉ đành thành thật nói với họ, đúng là mình chưa tham gia bao giờ.
Mọi người trong Ban Thư ký hiểu rõ gật đầu và bảo rằng, trước đây Đông Khánh đã kể cho họ nghe về tính cách đặc biệt của tôi nên họ sẽ thông cảm cho tôi. Vậy là vấn đề “Làm sao để giữ trẻ” của họ lại được chuyển sang kể lể về những trò quái đản mà bọn trẻ con có thể tạo ra. Đến đây tôi mới vỡ lẽ, những đứa trẻ mà tôi luôn nghĩ rằng chúng rất hiểu chuyện ấy sẽ giống như những con thú hoang xổng chuồng và phát cuồng khi chúng có thể buông thả mình trong các hoạt động vui chơi giải trí của trường.
Họ nói rằng, trẻ em thường nghĩ ra rất nhiều loại trò chơi kỳ lạ mà người lớn không thể hiểu được. Đặc biệt nhất là những đứa trẻ con nhà giàu. Cách chơi của chúng thậm chí còn quái dị hơn những đứa trẻ bình thường khác. Nhiều lúc, lũ trẻ còn khiến họ chết lặng khi phải giải quyết và xử lý những hậu quả mà chúng gây ra. Rắc rối đến mức còn phải bố trí thêm một đến hai đội tuần tra để tránh thảm trạng nặng nề.
Những đứa trẻ con nhà giàu luôn thích chơi mấy trò quái lạ sao?
Dù chưa từng trải qua bất cứ điều gì tương tự như tình huống của họ, nhưng theo những gì ba người ở đây đã chứng kiến, đúng là không phải loại vui đùa bình thường.
Nhưng lạ nhất ở chỗ, đây lại được coi là một nét văn hóa của trường theo một nghĩa nào đó.
Nghe nói, mấy năm trước rộ lên phong trào đưa trẻ em đi trại huấn luyện từ sớm để học cách tự vệ. Hưởng ứng phong trào vì vẻ đẹp người anh hùng vác súng ra trận bảo vệ Tổ quốc, nhiều gia đình đã hào hứng đăng ký cho con em mình tham gia khóa huấn luyện quân sự đó. Nơi đào tạo ra những lính nhí đó dạy rất nhiều cách phòng thủ, cũng như đề xuất những mưu mẹo tấn công rất hữu ích với những kẻ mang ý đồ xấu muốn tiếp cận chúng.
Nhiều gia đình giàu có cũng tin vào khẩu hiệu: “Gia nhập quân đội sẽ làm cho con cái của bạn có nề nếp, trật tự hơn” nên cũng đua nhau để con mình đi chịu khổ một trận. Sau này, vì học hành vất vả quá nên người theo học ngày càng ít dần, nhưng lớp đào tạo đó vẫn mở và nhận học viên cho đến tận bây giờ nên có nhiều đứa trẻ đã từng đi học tại đó ngứa nghề. Chúng sẽ rủ nhau thành lập một đội nhóm khám phá khu rừng đằng sau trường vào ban đêm trong những ngày tổ chức lễ hội để thỏa nỗi nhớ nhung là chuyện thường xuyên diễn ra.
Có thể kể đến một vài ví dụ điển hình như những đứa trẻ là con của các quan chức cấp cao, hoặc những nhà lãnh đạo có cha ông phục vụ trong quân đội. Chúng là những đứa thường hay chơi mấy trò du kích và ngụy trang kể cả ở trường lẫn ở Câu lạc bộ. Chúng thích chọn những bộ quần áo tối màu để có thể ẩn nấp trong đêm và dùng súng nước để bắn tất cả những người mà chúng coi là ngoại xâm. Những ai đam mê trang phục chiến đấu thuộc quân đội của các nước khác dám lởn vởn trước mặt chúng sẽ bị “bắn bỏ” ngay.
Nhiều đứa còn chơi rất dai, chúng tổ chức thành một đội quân nhỏ, phải xả đạn nước liên tục vào kẻ thù cho đến khi họ ướt như chuột lột thì mới chịu buông súng. Điều này khiến nhiều học viên phải nằm liệt giường vì “tắm đêm” dẫn đến sốt cao. Hội học sinh cũng phải đến nhà từng người để thăm hỏi, an ủi và động viên những kẻ xấu số…
Trẻ con hiếu động là chuyện bình thường, nhưng thế này thì cũng hơi quá rồi!
Không chỉ vậy, những đứa nhóc là con bộ đội lại không có áo mũ hay được trang bị lớp giáp kiên cố, đầy đủ “súng ống, đạn dược” như những đứa trẻ có điều kiện kia nên chúng đã chọn chơi trò hóa trang thành cây cảnh!
Những binh đoàn nhí rất giỏi võ, luôn bày trò tấn công bất ngờ nên thường giả làm những “cái cây biết nói”, từ từ tiếp cận người mà chúng cho là “gián điệp” và vật con nhà người ta ra giữa vòng vây của chúng rồi trói gô họ lại, treo lên cây. Thành ra, học viên ở trường rất sợ phải đi một mình và hầu như luôn đi theo nhóm để tránh bị phục kích bất ngờ, không kịp phản ứng vào những dịp như thế này.
Chuyện đau khổ nhất là những người không may bị bịt miệng không thể gọi người đến giải cứu nên phải đợi đến sáng hôm sau có người phát hiện ra và thả xuống thì mới nhận ra mình bị trói ở đâu.
Chỉ nghe đến đây thôi cũng đủ biết mấy đứa quỷ nhỏ này không phải loại dễ trêu vào.
Đã thế chúng toàn là con của thượng tướng, thiếu tá,… coi trọng vấn đề kỷ luật nhất kia thì ai dám báo về nhà nói con của ngài đã làm thế này, thế kia…
Thương người bị hại là chín thì thương người hại cũng là mười.
Nghe bảo, một số phụ huynh đã giật mình khi nghe kể về việc làm của con mình. Họ còn kinh ngạc phân trần đại loại như: Em nó ở nhà ngoan lắm, có thấy nó như thế bao giờ đâu?
Ngoài vấn đề này ra, còn có một yếu tố địa lợi khác, đó là phía sau Học viện Hưng Vương là một cánh rừng bạt ngàn, chuyên trồng các loại cây lấy gỗ quý hiếm. Hiệu trưởng của trường rất thích các thiết bị làm bằng gỗ vì độ bền bỉ của nó nên đã trồng cây trong trường và cứ đến mùa thu hoạch là ông ấy lại chặt cây cũ và trồng cây mới lên. Cứ mấy chục năm qua đi là lại có một lô gỗ mới vào kho. Một nơi rộng rãi như vậy quả thực rất thuận lợi để triển khai những ngón nghề mà mấy đứa nhóc học được trong quân đội khi đi trên rừng núi hiểm trở.
Rộng quá nên mới khó quản lý đấy…
Không chỉ có hội nhóm con của những người trong quân đội bày trò chơi khăm, mà còn có cả hội của luật sư, bác sĩ, đầu bếp, công an,… thì lại kinh hồn hơn nữa.
Nói không ngoa khi có cha mẹ làm luật sư, con cái cũng giỏi lý luận và thích tranh luận với người khác giống y chang họ vậy. Một chủ đề có thể được thảo luận trong ba ngày ba đêm. Đã giỏi tranh luận còn giỏi chế nhạo người khác nên khiến nhiều học viên khác sợ hãi đến mức phải nhập viện vì máu dồn lên não, căng động mạch chủ và khó thở.
Con bác sĩ thì lại càng khỏi phải bàn, người nào vừa có “triệu chứng” hơi kỳ lạ một chút là chúng lại bắt đầu săm xoi từ đầu đến chân rồi suy luận và chẩn đoán xem người này mắc bệnh gì, lạ ở đâu, chữa thế nào, nguyên nhân do đâu,… Tư vấn nghe có trình độ đến mức khiến người khác phải kinh ngạc, nhưng thực ra đó chỉ là những lời khuyên đã được sửa đổi nên nghe có vẻ cao siêu như: uống nhiều nước, ăn đủ ba bữa, ngủ sớm, tránh đồ chiên rán và luyện tập thể dục thể thao,… Bốc phét còn không hề một màu, lời khuyên cũng được chúng biến hóa với ngôn từ truyền đạt rất phong phú và đa dạng.
Bày ra đủ trò, đúng là trẻ con, mà còn là những đứa trẻ có trí tuệ nữa.
Cuộc sống ở đây sao nan giải thế nhỉ?
Mà vấn đề hóc búa này vẫn chưa đến lượt Thư ký dự bị phải giải quyết nên khi ấy, tôi chỉ thong thả uống trà nghe ba người trong Ban Thư ký tiếp tục suy nghĩ cách đối phó với lũ nhóc siêu nghịch ngợm và khó chiều kia.
Thật thú vị.
Thành thật mà nói, tôi là tác giả, là người viết nên thế giới này, nhưng có rất nhiều điều vẫn chưa hiểu hết về nó. Những hoạt động diễn ra trong trường được tạo ra chỉ để hai nhân vật chính là Hoài Nam và Vi Yến vun đắp tình cảm với nhau nên thường không đi sâu vào nhiều vấn đề khác. Tôi đã không thể biết thế giới này lại tự bổ sung các tình tiết ngoài lề để làm cho mọi thứ xung quanh hoạt động hợp lý và chân thật đến mức độ này đấy.
Đúng là thế giới càng thông minh thì sẽ càng quái đản.
Nghĩ đến đây, hình ảnh Khải Thành và Đông Khánh đánh lộn với nhau chợt lướt qua trong đầu tôi.
Ồ, mà những người bên cạnh mình cũng đâu phải hạng xoàng?
Không chỉ vậy, cả hai người họ đều cực kỳ khỏe mạnh, tôi vẫn còn nhớ mình được cả hai bế bổng lên rất dễ dàng mà không chút áp lực nào…
Có lẽ, đêm lửa trại vào lễ Trung thu hẳn phải là một đêm sôi động đến mức rối tinh rối mù. Thâm tâm tôi chợt cảm thấy, tốt nhất là mình nên chọn bám theo anh trai hờ hoặc tân Chủ tịch để nhận được khoan hồng từ những binh đoàn nhí kia thôi.
Ôi trời, chỉ mong nghĩ ra biện pháp nào đó để giải quyết vấn đề này thì cũng đỡ đau đầu hơn rồi.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI