Đây là sự im lặng trước cơn bão lớn sao?
Hay là do mình nhầm ngày nộp bản thảo và hôm qua mới là hạn chót?
Ting tong…
Tôi lo lắng đứng đằng sau biên tập viên Dương, thấp thỏm nhìn bóng lưng cao lớn mà đầu óc vẫn quay cuồng với hàng tá câu hỏi, nhưng vẫn chẳng hề nhận được bất cứ dấu hiệu nào cho thấy mình là người có lỗi. Ngay cả tiếng thang máy báo hiệu sắp lên tầng ba cũng làm tôi trở nên hồi hộp và bất an.
Có lẽ lỗi không ở mình?
Đang tự đặt nghi vấn, tôi theo chân biên tập viên Dương đến trước cửa phòng làm việc của những kẻ chăm chỉ nhất vịnh Bắc Bộ. Lẳng lặng nuốt nước bọt nhìn anh ta đẩy cửa kính cách âm, tiếng nói chuyện ồn ào trong căn phòng tràn ngập giấy tờ lập tức ùa ra:
– Gì? Thật á? Đúng là tác phẩm đó á?
– Được đấy, nếu mà là thật thì chúng ta và cậu Phong sẽ càng đẩy mạnh lượng sách bán ra hơn!
Dù tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng nếu như anh ta muốn tôi đồng tình và vui mừng với điều đó thì chưa chắc. Xuất bản quá nhiều sách giấy đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ phải “tàn sát” nhiều cây xanh hơn để có được nguyên liệu cần thiết. Vốn ngay từ đầu tôi đã không có ý định đăng ký xuất bản, nhưng vì miếng ăn manh áo, tôi không thể không bán chúng để duy trì sự sống của mình. Tôi hiểu việc làm hiện tại của mình là ích kỷ, nhưng bản năng sinh tồn sẽ không cho phép thân chủ của nó hành động nhân đạo trước những việc như ngừng sản xuất hay tiêu thụ để đạt được giá trị thầm lặng của sự hy sinh chỉ có ở những bậc Thánh nhân.
Từ ngày nhận ra được điều đó, tôi cũng rút ra được một kết luận trong cuộc đời theo đuổi sự nghiệp sáng tác văn chương của mình rằng: Những cuốn sách dấy mùi tiền sẽ luôn là thứ giết chết lý trí của một tác giả.
Trước vấn đề của cá nhân, tôi sẽ không thể đóng góp vào việc bảo vệ môi trường chung thêm xanh và sạch. Trái lại, với ước muốn in sách của mình, tôi đang đẩy nhanh quá trình làm khô héo sự sống trên hành tinh nơi tôi sinh ra.
Việc tự tay tạo nên ngõ cụt là cách tự hủy hoại vô đạo đức nhất với trí tuệ của những người biết rõ nhưng vẫn làm.
Giống như tôi vậy…
Mục đích cuối cùng của nhiều nhà sáng tạo nghệ thuật là mong muốn chia sẻ ý tưởng của mình để nhiều người biết đến, yêu mến và tìm được những người bạn có cùng cảnh ngộ. Nhưng để có được nét bút toàn vẹn về một con người có lý trí thì rất hiếm khi thấy ai đạt được điều đó. Đó cũng là lý do khiến tôi từng tiếc nuối khi sáng tác tác phẩm đầu tiên của mình, mặc dù tôi tạo ra nó chỉ vì muốn rèn luyện kỹ năng truyền đạt nhờ vào cách viết các từ ngữ ra.
Nhưng giờ đã khác, với sự phát triển của xã hội công nghệ, trí tuệ loài người đã đáp ứng được nỗi lòng của tôi, thế giới số ngày càng hoàn thiện và điều tôi chờ đợi đã thành hiện thực. Có lẽ từ giờ trở đi, tôi sẽ chỉ tập trung vào việc phát hành trên không gian mạng, thay vì dựa vào sản xuất hiện vật để có thêm thu nhập. Nhờ đó, tôi đã cảm thấy bớt có lỗi hơn với xã hội loài người vì xưa nay, tôi đã luôn muốn đóng góp theo cách cẩn thận và tỉ mỉ nhất để cảm ơn những bài học kinh nghiệm về “những hành động tử tế” và “những cú đấm liên tục không hề nương tay” mà toàn nhân loại đã dày công xây dựng nên.
Đam mê và theo đuổi đam mê là một điều tuyệt vời, nhưng nếu đam mê ấy là tác nhân chính dẫn đến ảnh hưởng xấu tới môi trường của chung cũng là một loại tội lỗi.
Một lần nữa, tôi xin được chân thành biết ơn đất nước đã sinh ra tôi, một đất nước không hề có những vấn đề như bị giới hạn kiến thức, đổi trắng thay đen trong lịch sử, văn hóa, hay bị kiểm soát tình trạng kết nối mạng của người dân trong lãnh thổ của mình như Trung Quốc, một đất nước có những con người hễ thấy cái gì nổi bật là tự nhận thành của mình tất, một đất nước lúc nào cũng lăm le xâm chiếm lãnh thổ của người khác, luôn tự coi mình là nạn nhân, là kẻ bị hại. Trung Quốc không giống như đất nước họ coi là kẻ thù lịch sử – Nhật Bản, ít nhất sự trung thực khi tiết lộ việc xả thải nước hạt nhân đã qua xử lý ra biển của người Nhật khiến tôi phải nhìn họ bằng con mắt của người dám làm thì cũng dám chịu chỉ trích. Đồng thời, tôi cũng biết ơn những người đã tạo ra mạng xã hội để con người có thể tiếp cận thông tin cực kỳ nhanh như ngày nay. Nhờ đó, tôi không còn phải duy trì nỗi dằn vặt đã đeo bám mình suốt nhiều năm qua.
Đặt tay lên ngực như đang thầm thề rằng sẽ không để lãng phí nguồn tài nguyên trí tuệ mà những người đi trước đã đem đến, tôi chợt nghe thấy giọng nói lanh lảnh của biên tập viên An:
– Cậu ấy còn chưa đến hả? Nghe bảo hôm nay sẽ tới nộp bản thảo mà?
Ờ, mình không nhớ nhầm, hôm nay là ngày mình đến nộp bản thảo thật!
May quá, mình vẫn chưa lú lẫn đến độ nhầm ngày tháng và giờ giấc.
Cảm ơn trời đất.
Cảm ơn các anh chị trong phòng biên tập.
Chăm chú lắng nghe thật kỹ từng câu từng chữ vọng ra ngoài hành lang của mọi người, nhất là khoảnh khắc tên mình được nhắc đến, tôi đã thầm tạ ơn tất cả vì mình chưa bỏ lỡ bất cứ điều gì và cũng không hiểu vì sao hôm nay mọi người lại rảnh rỗi túm tụm bàn luận sôi nổi đến thế.
Có chuyện gì thế nhỉ?
Theo sau biên tập viên Dương cùng bước vào văn phòng, cả hai chúng tôi cùng đồng thanh cúi đầu:
– Xin chào mọi người!
Vào lúc nhận thấy sự hiện diện của chúng tôi, nhân sự phòng biên tập lập tức ngừng bàn tán, xung quanh bỗng chốc im lặng như tờ.
Ơ?
Phát hiện ra bầu không khí khác thường của căn phòng, tôi ngẩng đầu lên và thấy những ánh mắt chứa đủ loại cảm xúc khác nhau, nhưng hầu hết đều sáng rực như đèn pha ô tô đang tập trung vào mình. Dự cảm chẳng lành lập tức xâm chiếm tâm trí, da đầu tê dại như có luồng điện chạy qua.
Chuyện đáng sợ gì đang diễn ra thế này?
– Em… dạ, thưa, có… có chuyện gì sao ạ?
Tức khắc cúi đầu và thầm mong điềm xấu mình mới cảm nhận được là do quá đa nghi, tôi ngập ngừng hỏi.
Nói thật, cho đến giờ, em vẫn chưa tìm ra lỗi nào ở mình hết!
Một người theo Chủ nghĩa Khắc Kỷ như tôi, nếu như nhận được chỉ trích hay khiển trách thì điều đầu tiên, tôi sẽ nghĩ là nên xem lại bản thân mình trước và tìm cách khắc phục những lỗi lầm đó để không gây phiền phức cho người khác. Tôi hiểu việc tìm ra nguyên nhân của tình trạng hiện tại sẽ làm giảm căng thẳng và khiến tôi bình tĩnh chấp nhận những sai lầm có thể xảy ra với mình. Đây thực sự là một thói quen khó bỏ và nó luôn làm tôi bất an khi đưa ra các quyết định suốt ấy.
Thấp thỏm nhìn những người xung quanh hồi lâu, tôi căng thẳng nuốt ngụm nước miếng đang mắc nơi cổ họng.
Tất cả vẫn như cũ, vẫn không ai mở miệng nói câu nào.
Nếu cứ đứng mãi thế này chắc em sẽ lầm tưởng nơi đây là trường quay bộ phim “Sự im lặng của bầy cừu” của Thomas Harris đấy mấy anh chị ơi, mau nói gì đi chứ!
– Cậu biết tin gì chưa?
Biên tập viên Dương đang đứng phía trước đột nhiên quay người lại gần tôi. Anh ta choàng tay qua vai và kéo tôi vào giữa văn phòng biên tập, nói tiếp:
– Bộ truyện về đề tài học đường của cậu nhận được lời khen ngợi từ đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng chuyên khai thác loạt phim về tình cảm lãng mạn.
– Vâng?
Thức đêm nhiều quá nên sinh ra ảo giác hả?
Kinh ngạc nhìn biên tập viên Dương, tôi ngây ngô đáp lại.
Dường như thấy tôi vui mừng đến mức hồn xiêu phách lạc, biên tập viên Dương nắm chặt vai tôi, hồ hởi cười nói:
– Hôm qua, ông Lê Văn có gửi văn bản mời chúng ta đến Công ty giải trí Sao Mai để bàn việc chuyển thể tác phẩm của cậu thành phim hoạt hình.
Cha mẹ ơi, sắp sang năm mới nghe được tin vui!
– Thật… thật ạ?
Chuyện đáng mừng kéo đến bất chợt làm tôi quên cả thở, chân run bần bật như sắp nhũn ra rồi vậy. Cũng may là biên tập viên Dương giữ chặt nên mới không mất mặt đến mức ngồi phịch xuống đất trước chốn đông người.
– Đúng thế! Đúng thế!…
– Tác giả Phong, truyện của cậu sắp tới sẽ được chuyển thể đấy!
Câu hỏi của tôi như một ngòi nổ, ầm một cái, mọi người tức khắc hưởng ứng và reo hò ầm ĩ như ong vỡ tổ để chúc mừng tôi. Có người nhanh tay kéo ghế mời tôi ngồi, có người còn chạy đến giúp cầm tập bản thảo đã bị tôi bóp chặt đến nỗi nhăn nhúm:
– Cậu Phong đưa tôi cầm cho. Cậu đã rất vất vả rồi. Ra kia ngồi nghỉ chút đi, hẳn cậu phải vui lắm!
Cảm nhận tập bản thảo trên tay đang được ai đó cầm lấy, tôi nhìn biên tập viên Nam đang phấn khởi vỗ nhẹ vào vai mình và cười ha ha nói.
– Vâng, vâng, cảm ơn anh!
Vẫn chưa hết bất ngờ mà liên tục dạ vâng, tôi đờ đẫn thả lỏng nắm tay để anh ta lấy bản thảo và in thành nhiều bản để rà soát chi tiết. Với khuôn mặt cứng đờ như một người máy, cả người lâng lâng đến nỗi lúc đi đường còn xiêu vẹo, tôi bước đến gần người đang vẫy tay với mình. Khi đi tới chiếc ghế mà biên tập viên An đã kéo sẵn, cảm nhận được từng cái vỗ vai chúc mừng, và nghe được lời dặn dò: “Hãy nghỉ ngơi thật tốt” của chị ấy, tôi vẫn còn trong trạng thái như người mất hồn. Trước dáng vẻ đầu óc đã trống rỗng như không thể tiếp nhận thêm bất cứ thông tin phức tạp nào của tôi, biên tập viên An rất lanh lẹ kéo tay tôi, nhiệt tình mời:
– Đây! Đây! Ngồi xuống đây!
Vui mừng đến mức quên cả tiếng mẹ đẻ nên chẳng biết phải nói gì vào lúc này, tôi đành dựa theo phản xạ gật đầu lia lịa thay cho lời cảm ơn rồi thả mình xuống ghế với tâm trạng khó tả như đang trong giấc chiêm bao.
Sự việc này đến quá đỗi đột ngột, nó khiến tôi bần thần trong sự không thể tin được. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều khiến tôi phấn khích nhất mà còn có thứ đáng quý trọng hơn ngàn lần, thứ tôi đã hằng ao ước muốn được nhìn thấy từ rất lâu rồi.
Nụ cười chân thành và thoải mái nhất…
Được nhìn thấy mọi người đang tỏa ra hào quang hạnh phúc trước mặt mình chứ không cộc cằn giống như mọi khi, miệng tôi bất giác mỉm cười.
Xem kìa, họ đang ăn mừng thành công đầu tiên của một tác giả chẳng có gì nổi bật như mình và mình đây còn không hào hứng bằng họ nữa…
Nhớ đến vẻ mặt cau có với quầng thâm lồ lộ dưới hốc mắt vì áp lực phải chạy đủ doanh số của các biên tập viên vào mấy tháng trước, đôi mắt và sống mũi tôi hơi cay cay.
– Uống đi cho ấm người nào!
– Dạ, em cảm ơn!
Hấp tấp nhận lấy ly cà phê sữa nóng hổi mà biên tập viên Tuấn mang đến, tôi ngơ ngác đưa nó lên môi và nhấp một ngụm.
Đã thật!
Khoảnh khắc nếm được vị đắng đặc trưng của cà phê đen quyện với hương thơm ngọt ngào từ sữa đặc trên đầu lưỡi, cũng là lúc tôi cảm nhận được suối nguồn ấm áp và năng lượng tràn trề làm cơ thể run rẩy trong vô thức. Nó khiến tôi lầm tưởng mình vừa rơi vào thời khắc sống lại từ trong đống tro tàn. Luồng nhiệt ấy thực sự đã giúp tôi tỉnh táo lại từ trong mơ màng và rạo rực trước những thông tin mình vừa có được.
Đây có lẽ là dấu mốc đầu tiên đánh dấu cái tên sẽ được nhiều người biết đến của một tác giả vô danh như mình ấy nhỉ?
Trầm ngâm nhìn chiếc ly tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ. Ngón tay khẽ khàng mân mê những hoa văn tinh tế trên thân nó, tôi thầm tự nhủ.
Nhà nội và nhà ngoại của tôi đều theo ngành kinh doanh, vì thế mà gia đình đã hướng nghiệp cho tôi và anh trai từ rất sớm. Tuy nhiên, tôi là người không thích kinh thương, cũng cảm thấy mình không phù hợp với nó nên đã thưa rõ với người trong nhà và nhất quyết muốn trở thành một nhà văn hoặc một tác giả tiểu thuyết lãng mạn.
Dù cha mẹ và anh trai có bận rộn nhiều việc, nhưng vẫn luôn là người cưng chiều tôi nhất. Họ bỏ ngoài tai lời lẽ gay gắt của ông bà hai bên và kiên quyết ủng hộ con đường trở thành tiểu thuyết gia của tôi. Vào lúc nhận được lời đồng ý từ gia đình mình, tôi đã hạnh phúc đến mức ôm chầm lấy họ.
Tất nhiên, điều đó vẫn không thể đảm bảo khoảng thời gian suốt ba năm Đại học, cứ vào mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi có thể tránh khỏi việc phải nghe hai bên nhà nội – ngoại ta thán về cái nghề tạo ra con chữ ấy. Họ bảo rằng, cuộc đời của những người làm nghệ thuật đều lênh đênh, vất vả. Số phận lận đận còn mau già. Công sức bỏ ra rất nhiều, nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu. Mỗi lần gặp nhau là thêm một lần phải ngoan ngoãn nghe lời khuyên răn kiểu như “cần suy nghĩ lại” từ người thân nên tôi trở nên chai lì từ đó.
Dù vẫn luôn biết, ông bà nói thế cũng chỉ muốn tốt cho mình vì kể cả khi không có bằng cấp cao hay tệ hại đến thế nào. Miễn là không phạm tội lớn liên quan đến tính mạng con người hay tiền bạc này nọ, người nhà vẫn sẽ cố gắng giúp tôi có cơ hội lăn xả mình vào giới kinh doanh, trở thành một người đàn ông ưu tú và sáng chói như anh trai hiện tại, chỉ là…
Tính tôi rất lạ, không thích làm những công việc dính dáng đến nhiều mối quan hệ, không mặn mà gì với tiền bạc, không thích mọi người nhìn vào gia nghiệp và gia đình để đánh giá con người mình, lại càng không thích hình ảnh mình của sau này sẽ giống như anh trai, luôn vùi đầu vào công việc kinh doanh.
Mình thích cuộc sống ẩn dật dưới một bút danh không rõ ràng hơn.
Chống cằm lắc nhẹ ly cà phê sữa trên tay, ngắm nhìn khuôn mặt phờ phạc của mình phản chiếu trên những đợt sóng sánh, tôi lặng lẽ nhấp thêm một ngụm để cảm nhận thật rõ vị ngọt đắng đan xen vào nhau. Nhưng hương vị không phải là thứ duy nhất tôi có, tâm trí tôi còn chợt thoáng qua cảnh cãi vã giữa mình và mọi người trong gia đình.
Đã lường trước rằng, mạnh miệng nói muốn tự chủ tài chính với người lớn sẽ khiến mình rơi vào tình cảnh thiếu thốn hiện tại, nhưng tôi chưa từng hối hận về quyết định của mình.
Ùng ục…
Nhớ đến những món đạm bạc mình ăn mỗi ngày, bụng dạ tôi như có cảm ứng mà réo lên inh ỏi.
Chậc…
Lắc đầu chán nản, tôi mệt mỏi cúi đầu nhìn xuống đất, thầm lẩm bẩm rằng: Đói quá là cần gì nữa đâu, có gì ăn nấy thôi…
Có lẽ, vì nhận ra tôi đang cố gắng chống lại thứ năng lượng tối luôn chực xổ lồng của mình, nên “em gái lợi nhuận” và “gã tiền tài” mới hết mực quyến rũ và gây khó dễ cho tôi trong mấy năm gần đây.
Cách đây mấy hôm, vì quá cần tiền nên tôi đã gặp được rất nhiều người thu mua truyện ngắn với nhiều chủ đề khác nhau. Nhưng đa số muốn tôi viết truyện có cảnh người lớn và những vấn đề thị phi ẩn chứa nhiều chi tiết phá hoại giá trị đạo đức. Không thể phản bội lời thề viết vì tấm lòng thành kính và tôn trọng trí tuệ ngôn ngữ, tôi đã từ bỏ việc kiếm tiền từ con chữ và làm những công việc chân tay. Dù biết mình có bằng cấp hẳn hoi, nhưng tôi lại chỉ muốn tìm một công việc tạm thời, vì thứ tôi luôn theo đuổi không phải là công thành danh toại mà là tìm được nguồn ánh sáng vĩnh cửu dẫn đến con đường trường tồn của trí tuệ.
Tự mình cảm nhận mới khiến ta trưởng thành.
Lặng lẽ vuốt ve những vết xước gồ ghề gợi lên ký ức về những năm tháng vì một ngày mai no bụng hằn rõ trên đôi tay, tôi thầm dặn lòng là đời phải thế, phải trải nghiệm cái khổ thì mới biết thế nào là sung sướng. Nhưng có đôi khi, tôi vẫn chẳng thể nhịn được tiếng thở dài nghẹn ứ trong cổ họng.
Dẫu cho đời vùi dập, nhưng tôi vẫn cắn răng theo đuổi đến cùng.