– Chị đến văn phòng Hội học sinh tìm Chủ tịch có việc gì sao ạ?
Khi Vi Yến thấy tôi vui vẻ chào hỏi, cô ấy cũng mỉm cười và gật đầu để đáp lại rồi đứng chờ tôi ở dưới sảnh. Sau đó, cả hai chúng tôi đã đi dạo quanh khuôn viên trường cùng nhau. Trong lúc lơ đãng, tôi đã thuận miệng hỏi cô ấy đến văn phòng Hội học sinh tìm Khải Thành để làm gì. Vi Yến vừa được hỏi đã đáp ngay:
– Chị định bàn về tiết mục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức vào tháng sau.
– À, vâng.
Đang nói chuyện, tôi bỗng trông thấy căn chòi của Học viện và đưa tay ra mời cô ấy.
– Vậy chúng ta vào kia ngồi một lát nhé chị?
– Ừ, ngoài này lạnh thật, vào kia ngồi cho ấm.
Vi Yến vui vẻ gật đầu tán thành.
Cả hai chúng cùng cởi giày bước vào tấm thảm lông được trải trong căn chòi. Thoải mái ngồi trên chiếc ghế nệm êm ái được học viện bố trí vào mùa đông, trong lòng tôi thầm cảm thán họ thật chu đáo. Lúc quay sang nhìn người đang ngồi xuống bên cạnh, tôi không khỏi ngạc nhiên hỏi:
– Sao chị không ngồi lên ghế ạ?
– Chị thích giấu mình trong này để không ai có thể tìm thấy chị.
Vi Yến ngồi trên thảm, dựa lưng vào ghế vừa nghe vậy thì trả lời ngay.
Thảo nào bao lần mình lượn lờ quanh trường tận mấy vòng liền cũng không thể tìm thấy con bé…
Nhờ tính cách thẳng thắn của Vi Yến đã khiến tôi vỡ lẽ rất nhiều điều, nhưng phần lớn là gợi nên tâm trạng khó hiểu trong tôi.
Nhưng con bé làm thế để làm gì?
Bầu không khí giữa cả hai chợt rơi vào tĩnh lặng, đến mức tôi cảm thấy mình nên mở miệng nói gì đó, ấy vậy mà người cất lời trước lại là Vi Yến:
– Chị rất vui khi được gặp lại em.
– Vâng, em cũng rất vui vì được thấy chị vẫn khỏe mạnh.
Gật đầu đáp lại cô ấy, tôi im lặng lắng nghe những lời tiếp theo:
– Chị không biết là Chủ tịch lại bận rộn đến mức để em đi tuần tra một mình. Có lẽ lát nữa chị sẽ đến tìm cậu ta sau.
– Chắc anh ấy sẽ đến đây tìm em sau khi xong việc. Chị cứ ngồi đây với em một lát là gặp được anh ấy thôi ạ.
Không để Vi Yến tìm được cớ cắt đứt cuộc trò chuyện giữa cả hai nhanh chóng nên tôi vội vàng lên tiếng khuyên nhủ để có thêm nhiều thời gian tán gẫu với cô ấy hơn.
– Vậy à? Chị cũng thấy Thành rất tốt. Cậu ấy biết chỉ có mình chị là học viên duy nhất của lớp đặc biệt nên đã đưa ra đề nghị, để chị đảm nhận một vai diễn trong tiết mục văn nghệ của Hội học sinh.
Có thể để ý Vi Yến đến chừng này thì Khải Thành đã đặt khá nhiều tâm tư đấy nhỉ?
Đồng phục màu trắng là màu nổi bật nhất trong trường, thể hiện rằng hành động, lời nói của người mặc có thể trở thành tấm gương cho mọi người noi theo. Người có thể ngồi vào chiếc ghế của Chủ tịch Hội học sinh đương nhiên phải để ý đến những điều nhỏ nhặt nhất và cách cư xử của họ phải văn minh, có ý thức hơn những người xung quanh.
Yêu cầu để được gia nhập Hội học sinh vốn rất phiền phức vì thiên về cộng đồng và cống hiến nhiều hơn nên mới khiến Khải Thành trong truyện gốc từ chối.
Lặng thinh nhìn nụ cười buồn bã nở trên môi Vi Yến, tôi chợt nhận ra con bé đã phải chịu nỗi cô đơn và lẻ loi khi phải học một mình. Nắm lấy bàn tay đang đặt trên đùi của con bé, tôi nhẹ nhàng an ủi:
– Chị đừng buồn, nếu chán thì chị có thể đến văn phòng Hội học sinh tìm em.
Vi Yến ngạc nhiên nhìn tôi rồi khẽ cười, nhẹ nhàng nói tiếp:
– Chị biết em luôn muốn tốt cho chị, nhưng văn phòng là nơi làm việc của Chủ tịch. Công việc của Chủ tịch còn vất vả như thế mà lại phải liên tục niềm nở đón tiếp vị khách không mời là chị.
Cúi đầu như thể hiện rõ tính tình tự ti của mình, Vi Yến buồn rầu nói tiếp:
– Sao chị có thế không biết xấu hổ, thích đến thì đến, thích đi thì đi?
– Không sao đâu chị, nếu chị ngại thì em sẽ đến tìm chị.
Chẳng có bậc cha mẹ nào lại không muốn chia sẻ và yêu thương đứa con mình tạo ra cả. Không chỉ cô ấy, tôi còn yêu quý tất cả những người sống trong thế giới mình sáng tác.
Mang theo nỗi lòng luôn mong muốn điều tốt nhất cho trí tuệ của mình, tôi mỉm cười và chân thành đáp lại cô ấy. Vi Yến cũng nhìn chằm chằm khuôn mặt tươi cười của tôi. Hồi lâu sau, cô ấy khẽ gật đầu, nắm lấy bàn tay tôi và đáp:
– Nếu được vậy thì em thường xuyên ghé thăm quán phở trong Vườn Cổ Tích nhé? Chị đang làm thêm ở đó đấy!
– Vâng, được ạ.
Giờ thì mình đã hiểu được cảm giác vui sướng của các ông bố, bà mẹ. Có con gái đúng là thích thật!
Nhận thấy tâm trạng Vi Yến dần thoải mái hơn, tôi cũng mỉm cười hạnh phúc vì có được sự chào đón của con gái. Niềm nở nhìn Vi Yến, tôi tiếp tục hỏi thăm cuộc sống hàng ngày của con bé:
– Dạo này anh Nam có còn dạy phụ đạo cho chị nữa không ạ?
– Còn em ạ! Cậu ấy nói, chị phải hơn điểm cậu ấy thì mới tha cho chị đấy! Khổ quá!
Nhắc đến tên Hoài Nam, Vi Yến đã ngay lập tức bật khóc ỉ ôi và ôm lấy chân tôi như thể tôi là cọng rơm cứu mạng duy nhất của cô ấy vậy.
– Cậu ấy đáng sợ lắm nên nhiều lúc chị không chịu được mới tìm nơi lánh nạn. Em không biết đâu, cậu ấy giỏi ngang với Chủ tịch Hội học sinh, chị sao mà sánh bằng!
À, ra vậy…
Đột nhiên ngộ ra lý do tại sao con bé thường trốn trong những căn chòi quanh trường, tôi không khỏi thương cảm thở dài đưa tay ra, nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc đã được cắt ngang vai của con bé.
Muốn sống cho ra một con người thì việc đầu tiên là phải học để trở thành người.
Ánh nắng vàng dịu dàng chiếu xuống những nhành cây đã rụng gần hết lá. Chúng tựa như những kỷ niệm xưa, những nỗi buồn và ân hận đã qua của tôi vậy. Quên đi rồi lại nhớ về hết năm này qua năm khác như một cách để tìm về một phần con người mình, tôi chợt nhận ra những ký ức về thế giới hiện thực cứ ngày một nhiều lên, chiếm trọn tâm trí tôi.
Có lẽ thứ mình muốn nhất là được đoàn tụ với gia đình.
Vô thức nhìn chăm chú vào những chiếc lá rơi vương vãi trên nền đất lạnh, tôi bỗng nhớ đến vườn cây được tắm mình trong nắng ấm này đã từng xanh tươi, rạng rỡ thế nào, tiếng ca lảnh lót của những chú chim sẻ khi được tự do sải cánh bay cao trên nền trời xanh thẳm kia đẹp đẽ ra sao.
– Đã có ai nói với em, mỗi lần nhìn thấy em, họ sẽ thấy rất yên bình chưa?
– Vâng?
Đang ngơ ngác ngắm nhìn cảnh sắc mùa thu ngoài căn chòi, tôi giật mình quay về với thực tại khi nghe thấy câu hỏi của Vi Yến. Nghĩ về những lời vừa rồi của cô ấy, tôi cười khẽ nói:
– Dạ, chưa ạ.
Dù mình có đa sầu đa cảm thì cuộc sống vẫn sẽ phải tiếp diễn, mặc cho những gì đã qua.
– Lần nào nhìn thấy em, chị không khỏi muốn chạy đến bên em để được gần em hơn. Em thật sự rất thu hút đấy!
Ấy vậy mà chưa từng thấy con bé chủ động đi tìm mình bao giờ…
Coi lời nói của cô ấy như một cách để xã giao, tôi mỉm cười phối hợp:
– Em rất vui vì được chị yêu thích.
– Ừ!
Đi kèm với lời nói là hành động gật đầu đầy dứt khoát của Vi Yến. Đó cũng là lúc tôi nhận ra, cô ấy vẫn còn ôm lấy chân mình.
– Chị ơi?
Vỗ nhẹ lên vai Vi Yến để ám chỉ hành động ôm đùi của cô ấy có vẻ không đúng lắm, nhưng Vi Yến vẫn không hiểu gì mà chỉ dụi đầu vào chân tôi như thể đã coi nó là một chiếc gối ôm vậy. Thấy hành động yêu thích không buông tay của Vi Yến không hề gây mâu thuẫn với lời nói, tôi cũng chỉ đành mặc kệ cô ấy.
– Em là thành viên của Hội học sinh nên chắc hẳn cũng biết chủ đề của vở kịch năm nay là gì rồi nhỉ?
– Vâng, năm nay Hội học sinh dự định sẽ diễn vở Cô Bé Bán Diêm, truyện cổ tích của Đan Mạch ạ.
Truyện cổ tích “Cô bé bán diêm” của Hans Christian Andersen được Hội học sinh chọn để diễn vào ngày nhớ ơn thầy cô là một tác phẩm có tính giáo dục và mang một ý nghĩa vô cùng lớn. Truyện kể về một bé gái không có nơi nương tựa nên đã lấy nghề bán diêm để kiếm sống. Trong cái giá rét khắc nghiệt đến tột cùng của mùa đông, cô bé nép mình trong một xó xỉnh tối tăm. Vào thời khắc không thể chịu đựng được cơn buốt lạnh, cô bé bắt đầu sử dụng diêm để có được hơi ấm. Mỗi lần que diêm được thắp sáng là chuỗi mơ mộng hư ảo về những ước mơ, ký ức cho đến lúc cô bé đón nhận cái chết trong vô thức.
Tác phẩm không chỉ giúp con người trân trọng những gì mình đang có mà còn giúp người đọc thấu hiểu nỗi đau của những đứa trẻ mất đi gia đình. Đây là câu chuyện khiến mọi người biết cảm thông, yêu thương và có thêm hiểu biết về cái chết không đau đớn và nhân đạo mà chỉ những nhà văn mới có thể sáng tạo nên.
– À, chị đã từng đọc truyện ấy rồi.
Dựa đầu vào chân tôi, Vi Yến nói.
Vì cô ấy ngồi quay lưng lại với tôi nên tôi không thể trông thấy cảm xúc trên khuôn mặt của cô ấy. Chỉ là nghe giọng điệu, tôi vẫn có thể đoán được phần nào.
– Chị từng rất giận dữ khi nghĩ đến những người đã nhìn thấy cô bé ấy lang thang trên đường. Tại sao mọi người không giúp đỡ cô bé ấy?
Ngồi thẳng người dậy và nắm chặt tay thành nắm đấm, Vi Yến không ngừng bày tỏ nỗi bức xúc của bản thân. Chẳng qua việc này chỉ diễn ra bất chợt rồi cô ấy lại tiu nghỉu dựa đầu vào chân tôi:
– Thế rồi chị đọc tác phẩm Một bữa no và Đời thừa của Nam Cao. Chị chợt nhận ra, không phải đứa bé nào cũng may mắn được dân làng góp gạo nuôi lớn như chị. Không phải ai cũng có đủ khả năng lo được cho người khác. Không phải ai mang dáng vẻ của con người cũng là người.
Con người là loài động vật có trí tuệ nên tính tình và cách hành xử của họ rất đa dạng. Loài người muôn màu muôn vẻ như vậy mới luôn là nguồn cảm hứng bất tận của những nhà văn, trong đó có tôi.
Tại đây, nghe đến câu kết luận này của Vi Yến, tôi không thể kìm nén được những vui mừng trong lòng. Yêu thương đưa tay vuốt lên mái tóc đen xõa ngang vai đã được cắt tỉa gọn gàng mang đến ấn tượng khác hẳn ngày đầu gặp mặt, tôi dịu dàng nói:
– Nhân tính là thứ mà một sinh vật thông minh phải học. Học nhân tính là để chúng ta phân biệt giữa con người và các sinh vật khác.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI